ĐỐI TÁC DỰ ÁN TRONG PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS TẠI ĐỒNG NAI

Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS: Hỗ trợ tích cực công tác phòng chống HIV/AIDS tại Đồng Nai 

Trong 10 năm qua (2010-2020), Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS đã hỗ trợ kinh phí hoạt động, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế và các tuyên truyền viên đồng đẳng từ tỉnh đến huyện, xã. Nhờ đó giúp cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Đồng Nai có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn. 

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Năm 2010, Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam chính thức hỗ trợ Đồng Nai. Dự án đã tổ chức rất nhiều các hội nghị, hội thảo chuyên đề phòng chống HIV/AIDS; lợi ích của việc điều trị sớm và xét nghiệm sớm HIV; tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực, kỹ thuật chuyên môn cho cán bộ y tế các tuyến… Ban quản lý dự án tỉnh cũng trực tiếp phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các nội dung, gồm: tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị ARV, điều trị thay thế chất dạng thuộc phiện bằng Methadone; hỗ trợ dự án thực hiện các hoạt động tại Trại giam Xuân Lộc (thuộc Bộ Công an); hỗ trợ sinh phẩm xét nghiệm sàng lọc chương trình dự phòng HIV lây truyền từ mẹ sang con trên toàn tỉnh.

Một trong những hoạt động trọng tâm của dự án là chương trình tư vấn và xét nghiệm HIV. Dự án đã tổ chức tư vấn, xét nghiệm lưu động tại các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Xuân Lộc, Trảng Bom và hỗ trợ tư vấn xét nghiệm tại Trại giam Xuân Lộc. Cung cấp trang thiết bị thiết yếu, sinh phẩm xét nghiệm đầy đủ, đào tạo lại cho các tư vấn viên và kỹ thuật viên phòng tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện tuyến huyện.

Tháng 7-2013, dự án Quỹ toàn cầu tiếp quản các hoạt động phòng chống HIV/AIDS từ dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ trước đó. Trong đó tập trung hoạt động khuyến khích nhóm nghiện chích ma túy sử dụng bơm kim tiêm sạch và nhóm phụ nữ bán dâm sử dụng bao cao su. 

Thời gian đầu triển khai, có 104/171 xã, phường trong toàn tỉnh được hưởng quyền lợi từ dự án, gồm các địa phương: TP. Biên Hòa, TX. Long Khánh, huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Xuân Lộc, Trảng Bom.

Anh M.N.S. đồng đẳng viên của dự án Quỹ toàn cầu tại Đồng Nai, trưởng nhóm Xuân Hợp cho biết: “Chúng tôi là những đồng đẳng viên của dự án trong những ngày đầu triển khai chương trình can thiệp giảm tác hại, với sự hỗ trợ kinh phí hoạt động, được tập huấn những kiến thức mới của HIV và được cung cấp vật dụng như bơm kim tiêm, bao cao su, hộp đựng bơm kim tiêm bẩn… giúp chúng tôi có nguồn lực trong việc tiếp cận các đối tượng nguy cơ cao, hướng dẫn họ đến với chương trình xét nghiệm miễn phí của dự án nhằm tìm kiếm người nhiễm HIV”. 

Về chương trình chăm sóc và điều trị ARV, dự án triển khai 5 phòng khám ngoại trú dành cho bệnh nhân HIV/AIDS tại TP. Biên Hòa, Long Khánh, huyện Long Thành, Trung tâm giáo dục lao động xã hội Đồng Nai và Trại giam Xuân Lộc. 

Với chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Ban chỉ đạo dự án huyện đã phối hợp với 45 trạm y tế xã, thị trấn ở TP. Biên Hòa và Long Khánh tổ chức tư vấn, xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai. Từ cuối 2017, chương trình này triển khai trên tất cả phường xã của địa bàn tỉnh về sàng lọc HIV cho phụ nữ mang thai. Nhờ đó đã có rất nhiều phụ nữ mang thai được tiếp cận, tham gia điều trị dự phòng bằng thuốc ARV kết hợp dự phòng cho con theo phác đồ B+. 

Hướng tới mục tiêu 90-90-90 

Trong thời gian qua, đã có rất nhiều người được hưởng các dịch vụ từ Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, giúp cho họ được cải thiện sức khỏe, tái hòa nhập cộng đồng. Chỉ tính riêng 2019, có hơn 1.500 người nghiện chích ma túy nhận bơm kim tiêm; gần 1.200 người bán dâm tiếp cận chương trình bao cao su; số đối tượng nguy cơ cao (nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới, phạm nhân) được tư vấn xét nghiệm là 7.571 người. Số bệnh nhân được điều trị ARV là 3.247 người; tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV dương tính được điều trị ARV trong thời kỳ mang thai là 100%; tỷ lệ bệnh nhân HIV sau 12 tháng điều trị ARV có tải lượng vi rút dưới 1000 bản/1ml, đạt 90%. Hiện nay, tất cả các xét nghiệm đo tải lượng vi rút của bệnh nhân vẫn được dự án Quỹ toàn cầu hỗ trợ thực hiện. 

Năm 2014, Dự án còn hỗ trợ triển khai chương trình điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại TP. Biên Hòa. Đến nay đã có hơn 1.200 bệnh nhân tham gia điều trị tại 8 cơ sở trên toàn tỉnh.

Nhằm tiến tới các mục tiêu 90-90-90, trong năm 2020 Dự án sẽ tiếp tục đồng hành chương trình phòng chống HIV/AIDS tại Đồng Nai với những mục tiêu cụ thể: Duy trì, cải thiện các gói dịch vụ thiết yếu can thiệp dự phòng tập trung vào các nhóm đối tượng đích và bạn tình của người nhiễm HIV trong cộng đồng nhất là người sử dụng ma túy và bạn tình cùng giới; mở rộng chẩn đoán sớm thông qua các hình thức xét nghiệm HIV tại cơ sở xét nghiệm, xét nghiệm HIV tại cộng đồng cho các nhóm quần thể đích và bạn tình của người nhiễm HIV góp phần đạt mục tiêu 90% số người còn sống nhiễm HIV biết được tình trạng HIV của mình; mở rộng, cải thiện chất lượng điều trị thuốc kháng vi rút (ARV) để tối đa hóa lợi ích về điều trị, dự phòng giảm lây truyền HIV và giảm tử vong do AIDS góp phần đạt mục tiêu 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% số người điều trị ARV có tải lượng vi rút HIV thấp dưới ngưỡng ức chế, đồng thời đảm bảo quá trình chuyển sang cơ chế hỗ trợ tài chính trong nước thông qua bảo hiểm y tế được thuận lợi nhất.

“Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS đã phối hợp với các chương trình phòng chống HIV/AIDS đang hoạt động trên địa bàn tỉnh triển khai đồng bộ các biện pháp: truyền thông thay đổi hành vi, can thiệp giảm tác hại, xét nghiệm, điều trị cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao. Bên cạnh đó, việc mở rộng phạm vi hoạt động ra các huyện chưa có dự án sẽ là động lực để Đồng Nai đạt mục tiêu 90-90-90 trong thời gian tới”- BS. Nguyễn Xuân Quang – Phụ trách Khoa phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết.

Theo tin dongnaicdc.vn

Giới thiệu Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - VUSTA

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) được thành lập theo Quyết định số 121 BT ngày 29/7/1983 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) được thành lập theo Quyết định số 121 BT ngày 29/7/1983 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Khi mới thành lập, Liên hiệp Hội Việt Nam có 15 hội thành viên. Đến nay, trải qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, Liên hiệp Hội Việt Nam đã trở thành một tổ chức chính trị - xã hội lớn với 152 hội thành viên, trong đó có 89 hội ngành toàn quốc và 63 liên hiệp hội tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương. Bên cạnh đó, Liên hiệp Hội Việt Nam còn có hơn 500 đơn vị nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đào tạo được thành lập theo Nghị định 81; 101 cơ quan báo, tạp chí với hơn 400 ấn phẩm bao gồm báo, báo điện tử, tạp chí, bản tin, đặc san, trang tin điện tử và ấn phẩm khác.

Hội thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam gồm Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung và các hội, tổng hội hoạt động hợp pháp trên các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên và khoa học công nghệ trong phạm vi cả nước tự nguyện tham gia Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Đại hội đại biểu toàn quốc là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Liên hiệp Hội có nhiệm kỳ là 5 năm. Cho đến nay Liên hiệp Hội Việt Nam đã qua 7 kỳ đại hội.

GS.VS Anh hùng Lao động Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa là Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp Hội Việt Nam (1983-1988).

GS.TS Hà Học Trạc đã làm Chủ tịch Liên Hiệp hội Việt Nam trong khoá II và khoá III (1988-1999).

GS.VS Vũ Tuyên Hoàng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam các khóa IV (1999-2004), khóa V (2004-2009).

PGS.TS Hồ Uy Liêm, Quyền Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam khóa V (2008-2010).

GS.VS.TSKH Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên Hội Việt Nam khóa VI (2010-2015) và khóa VII (2015-2020)

TSKH Phan Xuân Dũng , Chủ tịch Liên Hội Việt Nam khóa VIII (2020-2025)

Hội đồng Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam được Đại hội bầu ra để lãnh đạo thực hiện các nghị quyết của Đại hội.

Thành viên của Hội đồng Trung ương bao gồm đại diện của tất cả các hội thành viên và một số nhà khoa học, nhà quản lý do Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương khoá trước giới thiệu và được đại hội chấp thuận. Để điều hành hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam giữa hai kỳ họp, Hội đồng Trung ương đã bầu ra Đoàn chủ tịch. Đoàn chủ tịch Hội đồng Trung ương khoá VII có 25 thành viên do GS.VS.TSKH Đặng Vũ Minh làm Chủ tịch.

Liên hiệp Hội Việt Nam có chức năng:

1.Tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ người Việt Nam ở trong và ngoài nước; điều hòa, phối hợp và hướng dẫn hoạt động của các hội thành viên.

2. Làm cầu nối giữa các hội thành viên với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức khác nhằm giải quyết những vấn đề chung đối với đội ngũ trí thức của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

3. Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức thành viên, của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam

Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ chính sau đây:

1. Xây dựng và phát triển tổ chức:

a) Thực hiện công tác xây dựng, củng cố, phát triển và kiện toàn tổ chức bộ máy của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

b) Điều hòa, phối hợp và trợ giúp hoạt động của các hội thành viên;

c) Tăng cường mối liên kết liên ngành, liên vùng giữa các hội thành viên.

2. Vận động trí thức khoa học và công nghệ:

a) Phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm công dân, tinh thần hợp tác, tính cộng đồng, tính trung thực và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, đặc biệt là trí thức trẻ;

b) Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong đội ngữ trí thức khoa học và công nghệ;

c) Vận động trí thức khoa học và công nghệ người Việt Nam trong và ngoài nước tham gia các hoạt động cụ thể, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;

d) Tạo điều kiện nâng cao trình độ nghề nghiệp, góp phần cải thiện đời sống tinh thần, vật chất của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ.

3. Tổ chức thực hiện các hoạt động:

a) Đề xuất, tham mưu cho Đảng và Nhà nước những vấn đề lớn về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước, nhất là về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, chính sách đối với trí thức;

b) Chủ động tư vấn, phản biện và giám định xã hội nhằm góp phần xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc hoạch định và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chiến lược, quy hoạch, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các dự án quan trọng;

c) Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu;

d) Phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ, tham gia xây dựng xã hội học tập, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài;

đ) Tổ chức, hướng dẫn và khuyến khích phong trào sáng tạo của quần chúng trong hoạt động khoa học và công nghệ;

e) Tham gia cấp chứng chỉ hành nghề, thực hiện giám sát hoạt động nghề nghiệp và các dịch vụ công theo quy định của pháp luật;

g) Tham gia phát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe nhân dân và các hoạt động xã hội khác.

4. Thực hiện vai trò thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:

a) Phối hợp với các tổ chức thành, viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triển khai các hoạt động chung nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, tăng cường liên minh công nhân - nông dân - trí thức và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc;

b) Phản ánh nguyện vọng và ý kiến đóng góp của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ với Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

c) Tham gia đấu tranh bảo vệ hòa bình, chống chiến tranh, góp phần xây dựng và củng cố tình hữu nghị, sự hiểu biết và hợp tác giữa các quốc gia và dân tộc.

5. Tăng cường hợp tác với các hội, các tổ chức phi chính phủ của các nước, tham gia các tổ chức khoa học và công nghệ của khu vực và quốc tế theo quy định của pháp luật.

Để thực hiện tốt những nhiệm vụ nêu trên, Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên tiếp tục củng cố tổ chức của mình, thường xuyên tổ chức các hoạt động phổ biến kiến thức; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; tư vấn, phản biện và giám định xã hội; thông tin; đào tạo; thành lập Quỹ hỗ trợ sáng tạo kĩ thuật Việt Nam (VIFOTEC). Trong nhiều năm qua, nhằm khuyến khích các hoạt động KH&CN, cải tiến kĩ thuật, Liên hiệp Hội Việt Nam cùng với Bộ KH&CN, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tổ chức Giải thưởng sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam (mỗi năm 1 lần) và Hội thi sáng tạo kĩ thuật toàn quốc (2 năm 1 lần).

Đảng và Chính phủ đã quan tâm và đánh giá cao hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam, thể hiện cụ thể qua một số những văn bản quan trọng như: Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị "Về đẩy mạnh hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam"; Chỉ thị 14/2000/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ " về việc triển khai thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam"; Kết luận của Ban Bí thư số 145-TB/TW về tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW đối với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2010; Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg ngày 14/02/2014 về hoạt động Tư vấn, Phản biện và Giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam,....

Ghi nhận những đóng góp của Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tặng Liên hiệp Hội Việt Nam Huân Chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc Lập hạng Nhất và nhiều huân chương cao quý khác.

Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên sẽ tiếp tục phấn đấu, đổi mới tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động để cống hiến nhiều hơn và có hiệu quả hơn cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nước nhà.

Theo : https://vusta.vn/